Tượng Quan Âm là một sản phẩm điêu khắc, tạc lại hình tượng Quan Thế Âm. Các hình thức tượng rất đa dạng, phụ thuộc vào sự gia nhập của Phật giáo tại mỗi quốc gia và phụ thuộc cả vào các câu truyện dân gian, truyền thuyết của mỗi nước.
Qua nhiều thăng trầm, biến cố lịch sử xã hội cũng như của Phật giáo cũng đã để lại dấu vết ở các bức tượng, văn hóa vật thể. Tựu chung lại, tượng Quan Âm có thể coi là biểu tượng Phật giáo và là một tác phẩm mang đầy tính nghệ thuật, thể hiện trình độ khéo léo của nghệ nhân cũng như là sự gởi gắm tình cảm, niềm tin vào Phật giáo của người xưa. Xu hướng làm tượng Quan Âm hiện nay rất phát triển, không chỉ để phục vụ tín ngưỡng mà còn để trang trí nội thất, làm tặng phẩm lưu niệm. Tuy nhiên, mặc dù các tượng này cũng khá đẹp và tinh xảo, nhưng do không được trải qua nghi thức “hô thần nhập tượng” nên chúng chỉ có giá trị như đồ thủ công mỹ nghệ. Trong số các loại hình tượng Quan Âm thì tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay là một hình thức tượng hóa thân đặc sắc nhất.
Quan Thế Âm nguyên thuỷ thường thị hiện là một vị Bồ tát dưới dạng nam tính, nhưng khi du nhập sang Trung Quốc rồi vào Việt Nam, ngài đã bị thay đổi giới và thành Phật Bà và được gọi là Phật Bà Quan Âm. Tín ngưỡng dân gian thờ Mẫu ở Việt Nam cũng có ảnh hưởng tới hình thức tượng Quan Âm tại đây.